top of page

Giám đốc ngân hàng bỏ việc 200 triệu/tháng để theo đuổi nghề "khai vấn" ở tuổi 40: "Tôi ý thức được

Quách Thu Hiền từng có hơn 16 năm kinh nghiệm phát triển kinh doanh và quản lý ở nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, hàng không… Từ năm 2008 - 2018, chị là Giám đốc chi nhánh kiêm Giám đốc vùng của một ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, thành công trong công việc ấy không giúp Quách Thu Hiền tránh khỏi sự mất phương hướng trong cuộc sống.

Năm 2009, khi tham gia khóa học lãnh đạo bản thân được tổ chức ở Việt Nam, chị bắt đầu thấu hiểu hơn về thế giới nội tại của mình. Điều đó khiến chị dừng lại và tự hỏi: Ý nghĩa cuộc đời mình là gì? Nếu mình không còn nữa, thì mọi người sẽ nhớ tới mình vì điều gì? Chị Hiền dần thay đổi bản thân và cuộc sống theo hướng đi vào bên trong, kết nối với nội tâm thay vì chạy theo những giá trị bên ngoài như sự ghi nhận, tài chính, vị trí xã hội…

Năm 2017, khi tham gia một khóa thiền tại núi Abu, Amedabad, Ấn Độ trong 2 tuần, chị Hiền đã trải qua một thời gian thực sự tĩnh lặng. Đó là lúc chị hình dung được con đường tiếp theo mình muốn đi, mình muốn sống cuộc đời như thế nào. Đó là lúc chị quyết định dừng công việc tại ngân hàng để tìm một hướng đi mới: Bắt đầu với nghề khai vấn - coaching.


- Điều gì đã thôi thúc chị từ bỏ công việc giám đốc vùng của ngân hàng với thu nhập cao để theo đuổi đam mê của mình?

- Thời điểm 40 tuổi, tôi đang là Giám đốc vùng của một ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam với mức thu nhập lên tới gần 200 triệu/tháng. Tuy nhiên, áp lực công việc quá lớn, liên tục không ngừng nghỉ. Chuyện làm việc 12-14 giờ/ngày thường xuyên xảy ra. Tôi không có thời gian để chăm sóc bản thân, gia đình, phát triển bản thân, sức khỏe thể chất và tinh thần đều bị bào mòn… Thực tế là khi đó tôi chỉ nghĩ tới việc mình sẽ mất gì nhiều hơn là mình sẽ được gì nếu không thay đổi.

Động lực thúc đẩy tôi hành động và quyết định nghỉ việc, kể cả khi chưa có một kế hoạch rõ ràng về công việc hay cuộc sống tương lai, là vì câu nói: "Con người ta thường nghĩ nhiều đến cái giá của việc hành động nhưng lại không nghĩ nhiều đến cái giá mà mình phải trả nếu không hành động".

Lúc đó, tôi ý thức được cái giá mình phải trả nếu không hành động. Thứ nhất là là thời gian, thứ đã mất đi không bao giờ lấy lại được. Thứ hai, đó là sức khỏe, về cả thể chất và tinh thần nếu cứ tiếp tục một cuộc sống, một công việc quá nhiều stress mà không còn niềm vui. Thứ ba là cơ hội để bắt đầu một lĩnh vực mới mẻ, thú vị, một cuộc sống tự do và thênh thang đâu đó ở ngoài kia..

Tôi biết lĩnh vực mình muốn theo đuổi là liên quan đến con người, phát triển bản thân, đào tạo, giáo dục. Một cuộc sống mới tôi muốn theo đuổi là sự tự do về thời gian, tư tưởng và thực sự có ý nghĩa đối với bản thân, với những người xung quanh trong khoảng thời gian hữu hạn còn lại của mình.


- Chị bắt đầu với nghề "khai vấn" như thế nào?

- Khi còn làm giám đốc vùng của ngân hàng, tôi từng tham gia các khóa huấn luyện lãnh đạo và có trải nghiệm với một coach (người khai vấn) người Anh và đã hiểu khai vấn (coaching) là gì. Nhưng thời điểm đó tôi chưa biết đó có thể là một nghề. Ở Việt Nam thì chưa hề nghe tới ai làm khai vấn cả.

Năm 2016, tôi đã đầu tư tham gia một chương trình đào tạo khai vấn quốc tế để phục vụ cho công việc quản lý của mình.

Năm 2018, tôi chính thức nghỉ việc và coaching (khai vấn) là 1 trong số những lựa chọn tôi cân nhắc. Sau đó tôi quyết định lựa chọn coaching để phát triển.

Có lẽ tôi đã có duyên với nghề này. Trong công việc cũ, ngoài khía cạnh kinh doanh, điều tôi yêu thích nhất là giúp người khác phát triển. Tôi hay được nhân viên, đồng nghiệp và bạn bè hay tìm đến như một bờ vai để chia sẻ, xin lời khuyên và được động viên... Tôi tin tưởng rằng, ai cũng có những tiềm năng bên trong họ đang chờ được khám phá!


- Vai trò là một coach khác như thế nào với những vị trí quản lý trước đây mà chị từng đảm nhiệm?

- Làm coach khác xa với việc làm quản lý tại một ngân hàng. Người quản lý là người chịu trách nhiệm cho kết quả công việc của mình và cả đội nhóm trước tổ chức. Mặc dù, coaching được đưa vào như 1 phương pháp quản lý, giúp nhân viên khai phá tiềm năng... Nhưng người quản lý vẫn luôn là người quyết định cuối cùng các phương án, cách làm để đạt hiệu quả công việc tốt nhất. Nhưng với vai trò là coach, tôi luôn có niềm tin rằng người được khai vấn (coachee) sẽ có phương án tốt nhất, phù hợp nhất để đạt được hiệu quả.

Coaching là phương pháp giúp một người đi từ điểm A tới điểm B. Cùng điểm đến là B nhưng mỗi người sẽ có một cách đi khác nhau. Với coach, họ không nhất thiết là người hiểu rõ nhất về con đường từ A đến B, nhưng họ đặt niềm tin là coachee có năng lực, có khả năng đi đến đích.

Coach sẽ đặt những câu hỏi gợi mở để coachee nhìn rõ điều gì thôi thúc họ đi đến B (tìm ra mục ra mục tiêu ẩn đằng sau mục tiêu), động lực ra sao, khởi hành từ điểm nào, có nguồn lực nào để đi tới đó, có bao nhiêu con đường, lựa chọn đường nào là tối ưu, đâu là những rào cản họ có thể gặp phải… Qua quá trình coaching như vậy, coachee sẽ có sự thấu hiểu về bản thân, năng lực, thế mạnh, điểm yếu, động lực của bản thân, phát triển năng lực và sự tự tin cho bản thân… ngoài việc đi được tới cái đích mình mong muốn.


- Theo chị, điều gì là quan trọng nhất trong nghề khai vấn?

- Một trong những câu nói mà tôi rất thích là: "Who you are is how you coach", tức là "Bạn là người như thế nào thì bạn coach như vậy". Một người coach giỏi cần thấm nhuần những nguyên tắc vàng của nghề, thực sự sống với nghề thì đến khi ngồi với coachee họ mới có thể làm tốt vai trò của mình. Ví dụ như tin tưởng vào tiềm năng của người khác, không phán xét…

Bên cạnh đó, khi bạn làm coach, bạn luôn có cơ hội phát triển và hoàn thiện bản thân mình mỗi ngày vì coaching là một nghề đòi hỏi học tập suốt đời và bạn sẽ có cơ hội tự phản chiếu bản thân trong chính câu chuyện coachee chia sẻ với bạn.


- Việc khai vấn có giống như điều trị tâm lý, giúp người khác vượt qua những "khủng hoảng" của bản thân hay không, thưa chị?

- Hiện tại tôi thấy những coach theo đuổi chủ đề coach trị liệu tâm lý, chữa lành tổn thương. Một coach có thể có kiến thức về tâm lý học, và ngược lại chúng tôi cũng có những học viên là chuyên gia tâm lý và muốn học thêm kỹ năng coach, nhưng coach không phải là một chuyên gia tâm lý hay trị liệu.

Coach có thể can thiệp nếu coachee có những rào cản tâm lý, những nỗi sợ bên trong hoặc vượt qua những thời điểm khủng hoảng, nhưng không phải điều trị tâm lý.

Coaching là một quá trình tương tác, thúc đẩy mạnh mẽ, khuyến khích và tạo điều kiện cho một người bộc lộ năng lực cao hơn, đồng thời thúc đẩy họ liên tục phát triển. Nếu coachee ở giai đoạn có triệu chứng của bệnh hoặc không hoàn toàn vững vàng về mặt tâm lý thì coaching sẽ không phải là phương pháp phù hợp.


- Vì sao nhiều người được coi là thành công trong cuộc sống vẫn cần tới "khai vấn", truyền động lực, cảm hứng?

- Khai vấn không chỉ là giải quyết vấn đề mà còn giúp bạn có thể chuyển hóa từ "tốt" đến "tốt hơn nữa". Bản thân mỗi người đều có những tiềm năng riêng, siêu năng lực bên trong mà chính họ cũng chưa biết hoặc không biết cách khai thông.

Kể cả những người thành công, tài giỏi, thông minh thì vẫn có thể có những điểm mù, những lúc cảm thấy bối rối, hoang mang, mất phương hướng sống, mất động lực… Vì vậy, người khai vấn giống như một ngọn đèn giúp khách hành soi tỏ con đường họ cần bước tiếp.

Người khai vấn là người đồng hành và trao niềm tin cho họ và cùng họ đi trên một hành trình để khơi thông những điểm thắt nút, tập trung vào mục tiêu và sử dụng những năng lực tiềm ẩn bên trong họ để đạt được những mục tiêu mong muốn.

Người coach giỏi là người giúp khách hàng tạo ra những thay đổi từ bên trong, thay đổi về nhận thức, suy nghĩ, từ đó giúp khách hàng chuyển hóa thành những hành động cụ thể. Những người đồng hành dài hạn với tôi đều trở thành con người tích cực hơn, cuộc sống chuyển biến tốt hơn ở các khía cạnh khác nhau.

- Chị đồng hành như thế nào với những coachee để đi qua những nỗi sợ họ gặp phải trong cuộc sống?

- Quan sát một đứa trẻ khi mới sinh ra, bạn sẽ thấy chúng không có nỗi sợ hay nói chính xác hơn là chưa biết sợ. Chúng háo hức, hiếu kỳ với tất cả những gì diễn ra xung quanh cuộc sống.

Chính là trong quá trình lớn lên, từ những điều người lớn dọa dẫm, từ những trải nghiệm trong gia đinh, cuộc sống, và xã hội mà một đứa trẻ dần hình thành rất nhiều nỗi sợ xã hội như sợ không đủ giỏi, sợ bị phán xét… Đó trở thành những tảng đá ngăn trở dòng chảy năng lượng và tiềm năng trong mỗi người.

Việc có người khai vấn đồng hành có giá trị ở chỗ, coachee được trao niềm tin, có thêm sức mạnh, động lực bẩy hòn đá tảng đó ra khỏi cuộc sống của mình…

"Chúng ta khổ sở trong sự tưởng tượng của mình nhiều hơn so với trong thực tế - Seneca". Việc không tỉnh táo, không rõ ràng khiến bạn tê liệt, không dám hành động hoặc trì hoãn những ước mơ của mình.

Khai vấn giúp bạn nhìn rõ ràng, sáng tỏ xem nỗi sợ đó có thật không. Nếu có, điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì và lựa chọn phương án để giảm thiểu rủi ro… Khi đó coachee sẽ có sự rõ ràng, sáng tỏ, cân nhắc các lựa chọn và theo đuổi lựa chọn tốt nhất cho mình.

- Chị quan niệm như thế nào về sự hài lòng trong cuộc sống?

- Sau khi theo đuổi khai vấn, tôi nhận ra rằng, sự hài lòng hay hạnh phúc là một trạng thái mà chúng ta có thể đạt được ngay khi chúng ta quyết định "lựa chọn". Ví dụ như một ngày, khi vừa tỉnh dậy bạn cảm thấy trong lòng đầy biết ơn khi mình vẫn đang khỏe mạnh, có công việc tốt, người thân yêu mạnh khỏe… Bạn cảm thấy hài lòng và hạnh phúc ngay lập tức.

Nhưng nếu bạn bắt đầu ngày mới với suy nghĩ rằng: còn mấy ngày nữa mới hết tuần, lại phải gặp ông sếp khó chịu, trời thì đang mưa.., cảm giác tiêu cực sẽ xâm chiếm bạn. Sự hài lòng trong cuộc sống không đến từ những điều kiện bên ngoài. Đó chính là thái độ, sự lựa chọn từ bên trong bạn. Khi biết được bí mật này, ai cũng có thể hài lòng với những gì mình đang có.

Tuy nhiên hài lòng không có nghĩa là bạn sẽ dừng nỗ lực theo đuổi một cuộc sống "tốt" hơn nữa.

Cảm ơn những chia sẻ của chị.

Comentários


bottom of page