top of page

Làm thế nào để trở thành coach chuyên nghiệp: Lộ trình học tập & Lộ trình phát triển nghề (Phần 2)

phần 1 bài viết, chúng ta đã cùng tìm hiểu về tiềm năng nghề coach trên thế giới và tại Việt Nam, cùng lộ trình học tập theo chuẩn ICF để trở thành người coach chuyên nghiệp. Hy vọng rằng, qua bài viết đầu tiên, bạn đã có thêm niềm tin và định hướng học tập để theo đuổi công việc đầy nhân văn này.

Ở phần 2 của bài viết, tôi sẽ tập trung vào lộ trình phát triển nghề, trong đó có giới thiệu về các ngách coach và những con đường bạn có thể theo đuổi. Trên thế giới đang có những ngách coach nào? Liệu bạn có nhất thiết phải từ bỏ công việc full-time hiện tại để theo đuổi nghề coach? Nếu bạn muốn phát triển coaching trong tổ chức hiện tại thì nên làm thế nào? Tôi sẽ lần lượt trả lời những câu hỏi này trong bài viết dưới đây.



Có những ngách coach nào?

Xác định coaching niche (ngách coaching) vẫn luôn là nỗi trăn trở của nhiều học viên sau khi học xong khoá cơ bản đầu tiên. Trước khi đưa ra một số gợi ý để giúp bạn xác định thị trường ngách của mình, chúng ta cùng nhìn vào bức tranh tổng thể về các ngách coaching trên thế giới. Dưới đây là cách phân chia của tổ chức Erickson Coaching International - một đơn vị đào tạo coaching theo chuẩn quốc tế ICF:


Theo cách phân chia này, thế giới chia ra làm 2 nhánh chính: Life Coach (Coach cuộc sống) và Business Coach (Coach doanh nghiệp).

  • Life Coach (Coach cuộc sống): Couples Coaching (Coach cặp đôi), Parent Coach (Coach cha mẹ), Spiritual Coaching (Coach tâm linh), Relationship Coach (Coach mối quan hệ)....

  • Business Coach (Coach doanh nghiệp): Marketing Coach, Sales Coach, Executive Coach...

Lưu ý rằng 20 ngách coach ở trên chỉ là những thị trường ngách phổ biến, không phải toàn bộ. Bạn hoàn toàn có thể theo đuổi những ngách coach khác chưa được kể trên trong danh sách này. Ví dụ, nhiều học viên chương trình Mentor & Supervision Coach của CFL đã rất sáng tạo trong việc lựa chọn thị trường ngách của mình, xây dựng được những gói coach mới mẻ và hữu ích cho thị trường, cụ thể như: Women Wellbeing Coach, Resilience Coach, Coach mẹ bầu, Coach bình an tài chính,...

Trong thời gian tới, cả hai nhánh Life Coach và Business Coach đều có xu hướng phát triển mạnh. Tại Mỹ, quy mô thị trường Life Coach là 1 tỷ đô vào năm 2022, và dự kiến sẽ tiếp tục tăng 4,9% trong năm tới. Cùng lúc, nhánh Business Coach sẽ có xu hướng phát triển mạnh hơn, bởi ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm đến việc đưa coaching vào trong tổ chức, ngân sách của doanh nghiệp cho dịch vụ coach cũng dồi dào hơn. Theo số liệu từ ICF, executive coach - người làm việc chủ yếu với các lãnh đạo cấp cao, có thu nhập trung bình khoảng $330 một phiên coach. Trong khi đó, các life coach phục vụ khách hàng cá nhân có thu nhập trung bình $130 mỗi giờ.

Tại các doanh nghiệp, họ thuê coach chuyên nghiệp bên ngoài để giúp đội ngũ lãnh đạo cao cấp thay đổi phong cách, hành vi lãnh đạo, sau đó đến đội ngũ quản lý cấp trung để tăng hiệu quả công việc và kỹ năng quản lý đội nhóm,...Tôi đã và đang tham gia xây dựng văn hoá coaching cho nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ, có doanh nghiệp có đến hơn 6000 nhân sự hoạt động ở nhiều tỉnh thành. Mọi thành viên trong tổ chức từ lãnh đạo cấp cao, quản lý cấp trung đến nhân viên cấp dưới, đều có cơ hội được tiếp cận coaching.

3 lời khuyên để lựa chọn ngách coach phù hợp

Vậy trong rất nhiều ngách coach kể trên, bạn sẽ lựa chọn theo đuổi thị trường nào? Một cách lý tưởng, ai cũng mong muốn tìm thấy một coaching niche đúng với sở thích, là điều thị trường cần, và lại không quá cạnh tranh. Thế nhưng, làm như thế nào để tìm ra thị trường ngách đó vẫn là bài toán khó.

Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc này, dưới đây là 3 lời khuyên của tôi, cũng là cách tôi thường sử dụng khi làm việc cùng các học viên trong chương trình Mentor & Supervision Coach của CFL:

#1. Hãy dành thời gian để trải nghiệm

“You discover your niche, you don't choose it” - Tad Hargrave

Tại thời điểm mới bắt đầu, hãy cứ cho phép mình có nhiều trải nghiệm với đa dạng nhóm khách hàng. Lúc này, bạn không nhất thiết phải có một coaching niche cụ thể, đó cũng là điều Thomas Lenard - cha đẻ của nghề coach, từng chia sẻ. Khi coach được 100 giờ, trải nghiệm của bạn sẽ rất khác khi coach được 20 giờ. Càng có nhiều trải nghiệm, bạn càng nhìn rõ ràng được đâu là nhóm khách hàng bạn yêu thích làm việc cùng, chân dung của họ như thế nào, họ đang ở đâu trong giai đoạn của cuộc đời, họ đang đối diện với những thách thức gì trong công việc, và sự nghiệp.

Đôi khi thời gian sẽ tự mang đến những mảnh ghép để bức tranh hoàn thiện và bạn đơn giản là kiên nhẫn để ghép chúng lại, thay vì phải cố gắng lựa chọn điều gì đó không đúng với trái tim mình.

#2. Hãy linh hoạt và dám bỏ lại những điều đã biết ở phía sau

Thông thường khi chuyển sang nghề coach, nhiều người đã có nhiều kinh nghiệm làm việc trong một mảng cụ thể nào đó như tài chính, giáo dục, nhân sự... Và khi nghĩ đến việc tìm kiếm coaching niche, điều đầu tiên bạn nghĩ tới là lựa chọn những mảng liên quan đến kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm, mạng lưới quan hệ các bạn đang sẵn có. Lựa chọn này không có gì sai, bởi thay vì phải bắt đầu lại hoàn toàn từ con số 0, bạn đã có sẵn một số nguồn lực nhất định. Nhưng đó không nhất thiết phải là sự lựa chọn duy nhất.

Hãy cởi mở và linh hoạt, đừng giới hạn bản thân bởi kinh nghiệm của mình. Nếu trong giai đoạn trải nghiệm, bạn phát hiện ra rằng bạn có cảm hứng vô cùng khi làm việc với các bạn trẻ tuổi teen, bạn thấy có sự kết nối, đồng cảm với những tổn thương, hoang mang, mất phương hướng các bạn trẻ, thì đừng để kinh nghiệm 10 năm chuyên môn marketing là rào cản để bạn theo đuổi những gì trái tim mách bảo.

Khi bạn phân tích bằng lý trí, bạn đang dựa trên quá khứ, trên những gì đã qua. Còn khi bạn lắng nghe trái tim mình ở hiện tại, bạn đang hướng tới tương lai, bởi trái tim luôn chứa đầy hi vọng về những điều mới mẻ.

#3. Tìm giao điểm của những câu hỏi định hướng sau:

Nếu như 2 gợi ý trên còn mơ hồ, dưới đây sẽ là 4 câu hỏi giúp bạn nhìn nhận, đối chiếu và hiểu rõ bản thân mình hơn:

  • Đâu là điều bạn yêu thích?

  • Đâu là điều bạn có tài năng và năng lực để làm?

  • Bạn thường giúp khách hàng của mình giải quyết những vấn đề gì hoặc đạt được những mục tiêu gì?

  • Khách hàng sẽ sẵn sàng trả phí cho điều gì để được bạn đồng hành?

Sau khi trả lời được 4 câu hỏi này, điểm giao nhau sẽ là điều gần nhất hoặc chính là coaching niche của bạn.

Những lộ trình phát triển nghề coach

Bạn đã rất yêu nghề coach, tin tưởng vào giá trị nhân văn của công việc này. Bạn đã thực hành coach đều đặn một thời gian và có niềm tin vào năng lực bản thân. Bạn có ý tưởng về coaching niche bạn mong muốn đi sâu. Đến lúc này, câu hỏi lớn nhất là: Có những con đường nào nếu như tôi muốn theo đuổi công việc này một cách chuyên nghiệp?

Dưới đây là một số lộ trình bạn có thể tham khảo:

Làm coach toàn thời gian

Với sự lựa chọn này, bạn sẽ từ bỏ công việc full-time hiện tại, dành toàn bộ thời gian để phát triển các dịch vụ coach, có thể là coach cá nhân, coach cho doanh nghiệp, coach đội nhóm... Theo khảo sát lần đầu tiên của CLB Coach Hà Nội (HCC) với 103 hội viên của CLB (những người đã hoàn thành chứng chỉ đào tạo coach cơ bản của các tổ chức đào tạo được cấp phép của ICF), chỉ có 19 coach lựa chọn theo đuổi công việc này toàn thời gian. Dù đây là sự lựa chọn nhiều người từng nghĩ tới, nhưng rõ ràng là một con đường không dễ dàng. Bạn sẽ cần xác định được định hướng làm nghề, có tiềm lực nhất định về tài chính, sự vững vàng về nội lực và tinh thần để có thể đưa ra được quyết định mạnh mẽ này. Dù có nhiều áp lực, nhưng bù lại, bạn được dành toàn bộ thời gian tâm huyết cho công việc mình yêu thích.


Làm coach bán thời gian

Đây là sự lựa chọn tương đối phổ biến trên thế giới và cả Việt Nam. Theo khảo sát của HCC, 61% các coach tham gia khảo sát đang làm công việc này bán thời gian. Bạn vẫn có thể duy trì công việc full-time ở công ty, và làm coach vào những khoảng thời gian khác trong ngày. Hoặc, cùng với coaching, bạn cung cấp các dịch vụ khác tuỳ theo năng lực bản thân như training, hosting, xây dựng podcast, viết lách,...

Với những coach độc lập (fulltime/ partime), ngoài việc marketing để tự tìm kiếm khách hàng, bạn cũng có thể đầu quân để trở thành Chuyên gia Khai vấn Liên kết cho các tổ chức coach tại quốc tế và Việt Nam. Hiền hiện cũng là Chuyên gia Khai vấn được chứng nhận của tổ chức Marshall Goldsmith Stakeholder Centered Coaching (MGSCC) và chuyên gia khai vấn liên kết của tổ chức Sharpist Germany. Khi trở thành coach liên kết, bạn sẽ được các tổ chức này mời tham gia vào các chương trình coaching cho khách hàng của họ mà không cần phải tự đi tìm khách hàng cho mình. Thực tế là ngày càng nhiều nhiều doanh nghiệp quốc tế có chi nhánh tại Việt Nam tham gia vào các chương trình coaching lớn trên toàn cầu do công ty mẹ ở nước ngoài tổ chức và phát sinh nhu cầu tìm các coach tại chính nước sở tại cho chi nhánh của họ.

Coach nội bộ

Thay vì phải nghỉ việc và tự thân làm coach, bạn cũng có thể phát triển công việc coach ngay trong tổ chức. Coach nội bộ (Internal Coach) cũng là một xu hướng đang phát triển mạnh mẽ. Theo APAC, các công ty đã khám phá ra rằng, việc sử dụng coach nội bộ vừa tiết kiệm chi phí (82%), vừa đem lại ROI tốt hơn (64%). Vì vậy, các doanh nghiệp ngày càng đẩy mạnh việc kết hợp cả coach bên ngoài và coach nội bộ. Tại các doanh nghiệp Việt Nam, coach nội bộ thường chưa được coi là một chức danh riêng biệt, mà sẽ kiêm nhiệm vào một vài vị trí trong phòng L&D.

Trong trường hợp doanh nghiệp của bạn hoàn toàn chưa có coaching, bạn có thể trở thành lá cờ đầu và tự mở ra con đường cho riêng mình. CFL từng có một học viên, sau khi học xong khoá 60h và được mentor 1-1, bạn rất đam mê coaching nhưng doanh nghiệp hiện tại lại không có vị trí nào liên quan đến coaching. Bạn đã có ý định nghỉ việc để theo đuổi nghề coach toàn thời gian. Sau khi được gợi ý bởi CFL, bạn trở về doanh nghiệp, tự đề xuất sẽ coach cho các quản lý lãnh đạo ngoài thời gian làm việc, và hoàn toàn không tính phí. Sau một thời gian, ban giám đốc nhìn thấy những chuyển biến tích cực mà coaching đem đến, và bổ nhiệm bạn vào vị trí phụ trách triển khai coaching trong doanh nghiệp. Như vậy, bạn vừa có cơ hội làm việc mình yêu thích, vừa tiếp tục được gắn bó với tổ chức hiện tại.

Xây dựng doanh nghiệp về coaching

Đó là cách Hiền và chị Quách Hương đã làm với CFL. Ngoài các sự lựa chọn phía trên, bạn cũng có thể thành lập doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm, dịch vụ, chương trình đào tạo về coaching. Đương nhiên, con đường này sẽ đòi hỏi nhiều nguồn lực, cả về thời gian và tài chính, bạn cũng cần có định hướng phát triển doanh nghiệp lâu bền, có năng lực quản trị kinh doanh và có một đội ngũ những người cộng sự phù hợp để làm việc với mình.

Qua hai bài viết vừa rồi, Hiền rất hy vọng rằng, bạn đã có một góc nhìn toàn cảnh hơn, chân thật hơn, sâu sắc hơn về con đường làm coach chuyên nghiệp. Có thể thời điểm này bạn còn nhiều mông lung lo lắng, nhưng mọi thứ sẽ sáng tỏ dần theo từng bước bạn hành động. Bạn cũng không nhất thiết và không nên đi một mình trên hành trình này, hãy tìm cho mình một người coach, một người mentor, một cộng đồng, một chương trình học phù hợp để thúc đẩy bạn phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, vững vàng hơn. 5 năm theo đuổi công việc coach chuyên nghiệp, chưa một giây phút nào Hiền hối hận về quyết định của mình. Chúc bạn sẽ có thật nhiều khám phá mới mẻ trên hành trình phía trước.


bottom of page