top of page

Làm thế nào để trở thành coach chuyên nghiệp: Lộ trình học tập & Lộ trình phát triển nghề (Phần 1)

Trong 5 năm xây dựng và phát triển Coach For Life, chúng tôi đã có cơ hội đào tạo kỹ năng coaching cho khoảng 300 học viên. Xuyên suốt khoá học, hầu như học viên nào cũng vô cùng hào hứng tâm đắc với coaching, với sự nhân văn và những lợi ích to lớn từ công việc này, không ít người thể hiện mong muốn sẽ theo đuổi sự nghiệp coach chuyên nghiệp.

Thế nhưng, làm thế nào để trở thành coach chuyên nghiệp? “Học ở đâu, thi chứng chỉ như thế nào, tìm kiếm khách hàng và phát triển công việc kinh doanh ra sao, liệu có nguồn thu nhập ổn định hay không?”. Đó vẫn luôn là những câu hỏi lớn với bất kỳ ai mong muốn theo đuổi con đường này. Thị trường coaching ở Việt Nam vẫn còn quá mới mẻ, khách hàng chưa hiểu coaching là gì, bản thân người coach chưa rõ phải tiến bước ra sao, việc đặt ra những câu hỏi này là hoàn toàn hợp lý và dễ hiểu.

Trong bài viết dưới đây, với trải nghiệm 5 năm làm nghề, Hiền mong muốn có thể giúp bạn có cái nhìn rõ ràng hơn về tiềm năng nghề coach, về những lộ trình học tập và lộ trình phát triển nghề mà bạn có thể theo đuổi. Hy vọng rằng, Hiền có thể giúp bạn giải đáp phần nào những thắc mắc kể trên, có thêm thông tin, định hướng, và sự tự tin để theo đuổi công việc ý nghĩa này.


Làm coach chuyên nghiệp tại Việt Nam - Có tiềm năng hay không?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy cùng nhìn vào một vài số liệu trên thế giới và tại thị trường Châu Á - Thái Bình Dương. Theo báo cáo của ICF, tổng doanh thu toàn cầu ước tính từ coaching trong năm 2019 là 2,849 tỷ USD, tăng 21% so với ước tính năm 2015. Theo nghiên cứu của PwC, coaching là ngành phát triển nhanh thứ hai trên thế giới, chỉ sau ngành công nghệ thông tin.

Tiến gần hơn với thị trường Châu Á - Thái Bình Dương, đây cũng là một khu vực chứng kiến sự phát triển nhanh và mạnh của coaching. Trong đó, Hồng Kông, Singapore, Mainland China (Trung Quốc đại lục), Indonesia, Philippin là những thị trường coaching phát triển mạnh mẽ nhất. Theo dữ liệu từ Liên minh Khai vấn Châu Á Thái Bình Dương (APAC), quy mô doanh thu nghề coach tại khu vực này đạt 130 triệu đô, các coach có thu nhập giao động từ $200 - $2500 mỗi tháng, tuổi nghề trung bình là 6,5 năm. Đây đều là những số liệu chứng minh tiềm năng lớn của công việc này.

Còn tại Việt Nam, theo quan sát của tôi, chúng ta đi chậm hơn các nước trong khu vực khoảng 10 - 12 năm. Chỉ khoảng 3-4 năm gần đây (từ năm 2018), coaching mới có dấu hiệu phát triển như một nghề chuyên nghiệp. Thế nhưng, chỉ cần nhìn vào 4 năm phát triển đầu tiên này, chúng ta cũng sẽ thấy tốc độ khai phá mạnh mẽ.

Dấu hiệu đầu tiên là số người người mong muốn học coach ngày càng tăng. Năm 2018, khi CFL mở khoá đào tạo coaching đầu tiên, chúng tôi tuyển học viên rất khó khăn vì không mấy ai hiểu coaching là gì. Nhưng đến thời điểm này, hầu như các học viên đều tự tìm đến và đăng ký học. Dấu hiệu thứ hai là hoạt động chuyên nghiệp của các coach tại các thị trường ngách ngày càng sôi nổi và sáng tạo. Executive Coach, Leadership Coach, Teen Coach, Parent Coach, Resilient Coach, Women Well-being Coach… hầu hết mọi lĩnh vực quan trọng trong cuộc sống đều đã được chạm tới. Các coach cũng chú trọng nhiều hơn đến yếu tố chuyên môn và chứng chỉ chuyên nghiệp. Chỉ trong tháng qua (tháng 4/2022), liên tiếp 5 học viên chương trình Mentor & Supervison Coach của CFL đã đạt chứng chỉ ACC.

Quay trở lại với câu hỏi: Làm coach chuyên nghiệp ở Việt Nam có tiềm năng hay không? Câu trả lời là: Có! Không chỉ tiềm năng, tôi cho rằng đây là thời điểm lý tưởng để theo đuổi công việc này. Về phía khách hàng, khi nhu cầu phát triển bản thân ngày càng tăng, mọi người bắt đầu nhận ra coaching là phương pháp hỗ trợ được cá nhân hoá rất cao, giúp họ đạt được những mục tiêu trong công việc và cuộc sống. Về phía thị trường, thị trường coaching không còn quá sơ khai, mông lung và ít thông tin như thời điểm tôi bắt đầu, ít nhất các bạn cũng đã có các coach đi trước 4-5 năm để dẫn dắt, kèm cặp và chia sẻ kinh nghiệm, có cộng đồng các coach đồng lứa để cùng học hỏi lẫn nhau. Đồng thời, thị trường vẫn còn đủ mới mẻ với nhiều ngách coach tiềm năng chờ bạn khai phá.

Vì vậy, bạn không cần lo lắng về mức độ tiềm năng của thị trường. Thị trường còn rất nhiều cơ hội, nhu cầu khách hàng ngày càng cao, bạn chỉ cần thật kiên định để tiến xa trên hành trình học hỏi và phát triển công việc coach của mình.

Lộ trình học tập theo định hướng ICF

Tại Việt Nam, tôi có thể quan sát thấy có đến 2-3 trường phái coach, và mỗi trường phái sẽ có một lộ trình học tập khác nhau. Là người theo đuổi con đường chính thống của ICF (hiệp hội lớn nhất về nghề coach trên thế giới), tôi xin phép chỉ chia sẻ về lộ trình phát triển cơ bản theo chuẩn ICF (ACSTH Path):



  • Cấp độ cơ bản – Certified Coach: Hoàn thành chương trình đào tạo 60 giờ (hoặc 75 giờ - ACTP Path) tại các đơn vị đào tạo được ICF cấp phép.

  • Cấp độ 1 – Associate Certified Coach (ACC): Ngoài việc hoàn thành chương trình đào tạo 60 giờ, bạn cần tích lũy 100 giờ coach, 10 giờ mentor, nộp bản ghi âm 1 phiên coach và vượt qua bài thi kiến thức Coach Knowledge Assessment.

  • Cấp độ 2 – Professional Certified Coach (PCC): Hoàn thành chương trình đào tạo 125 giờ tại các đơn vị đào tạo được ICF cấp phép, tích lũy 500 giờ coach, 10 giờ mentor, nộp bản ghi âm 2 phiên coach và vượt qua bài thi kiến thức Coach Knowledge Assessment.

  • Cấp độ 3 – Master Certified Coach (MCC): Hoàn thành chương trình đào tạo 200 giờ tại các đơn vị đào tạo được ICF cấp phép, tích lũy 2500 giờ coach, 10 giờ mentor, nộp bản ghi âm 2 phiên coach và vượt qua bài thi kiến thức Coach Knowledge Assessment.

(Các quy định này sẽ có một số điều chỉnh kể từ tháng 8/2022)

Câu hỏi mà tôi thường nhận được là: Có nhất thiết phải có các chứng chỉ này để làm coach chuyên nghiệp hay không? Câu trả lời là: Không bắt buộc, nhưng rất nên có. Trong một thị trường mà ai cũng nhận mình làm coach như hiện tại, việc có chứng chỉ là yếu tố hữu hình và rõ ràng nhất để định vị sự khác biệt và chuyên nghiệp của bạn, là bằng chứng đầu tiên để xây dựng niềm tin với khách hàng. Đồng thời, ICF cũng chỉ ra rằng, trong tương lai rất gần, việc sở hữu các chứng chỉ quốc tế sẽ dần trở thành một yếu tố bắt buộc để bạn hành nghề.

Từ trải nghiệm của tôi với việc thi chứng chỉ và hướng dẫn kèm cặp nhiều học viên, các chứng chỉ như ACC, PCC, MCC không đơn thuần là một dạng bằng cấp, danh hiệu. Để đủ điều kiện nhận những chứng chỉ này, bạn cần trải qua một quá trình thực hành và phát triển bản thân liên tục. Ví dụ, để lấy chứng chỉ ACC, bạn phải tích luỹ đủ 100 giờ coach và có ít nhất 10 giờ mentor bởi các PCC hoặc ACC (có từ 3 năm ACC trở lên) trong ít nhất 3 tháng. Khi bạn coach đủ 100 giờ, bạn sẽ nhận thấy kỹ năng của mình phát triển hơn hẳn, các phiên coach hiệu quả cao hơn, khách hàng chuyển hoá mạnh mẽ hơn, bản thân bạn tự tin và vững vàng hơn trong cả phiên coach. Đồng thời, khi được dẫn dắt kèm cặp bởi các PCC nhiều kinh nghiệm, bạn cũng sẽ rõ ràng hơn trong lộ trình phát triển nghề, được thúc đẩy để vượt qua sự trì hoãn, mạnh mẽ giới thiệu bản thân để tìm kiếm khách hàng. Việc đặt mục tiêu đạt những chứng chỉ này cũng giống như một sự cam kết phải mạnh mẽ tiến nhanh với nghề.

Vì vậy, trong quá trình thiết kế chương trình nâng cao Mentor & Supervison Coach, đích đến cuối cùng mà tôi cũng như CFL hướng đến là các bạn có tự tin vững vàng về nội lực, cùng những kỹ năng, công cụ cần thiết để có thể làm nghề một cách chuyên nghiệp. Tất cả những khúc mắc như: Làm thế nào để nâng cao năng lực coach và tạo nhiều sự chuyển hoá cho khách hàng? Làm thế nào để tự tin thu phí? Làm thế nào để đạt chứng chỉ ACC? Làm thế nào để đóng gói sản phẩm, marketing cho chính mình?... tất cả sẽ đều đã được thiết kế toàn diện trong khoá học. Chứng chỉ ACC sẽ là một kết quả tất yếu cho cả quá trình kiên trì học tập, chuyển hoá và nâng cao năng lực coach, chứ không phải là mục tiêu duy nhất.

Ở phần 2 của bài viết, tôi sẽ tập trung vào lộ trình phát triền nghề, trong đó có giới thiệu về các ngách coach và những con đường bạn có thể theo đuổi. Trên thế giới đang có những ngách coach nào? Liệu bạn có nhất thiết phải từ bỏ công việc full-time hiện tại để theo đuổi nghề coach? Nếu bạn muốn phát triển coach trong tổ chức hiện tại thì nên làm thế nào? Tôi sẽ lần lượt trả lời những câu hỏi này trong bài viết tiếp theo.


bottom of page